Kinh Tập
Sutta Nipata
-ooOoo-
Mục Lục Chương Một - Phẩm Rắn (Uragavagga)
Chương Hai - Tiểu Phẩm
Chương Ba - Ðại Phẩm
Chương Bốn - Phẩm Tám
Chương Năm - Trên Ðường Ðến Bờ Bên Kia
|
Giới Thiệu Kinh Tập (Sutta Nipata)
Hoà thượng Thích Minh Châu
Tập Sutta Nipatà là kinh thứ 5, trong 15 kinh thuộc Bộ Khuddaka Nipàta tức là Tiểu Bộ Kinh. Bộ Tiểu Bộ Kinh gồm có 15 kinh:
Khuddakapàtha (Tiểu Tụng Kinh),
Dhammapada (Pháp Cú),
Udàna (Phật Tự Thuyết Kinh, Cảm Hứng Ngữ),
Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh, Phật Thuyết Như Vậy),
Vimànavatthu (Thiên Cung Sự Kinh),
Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự Kinh),
Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ),
Therigàthà (Trưởng Lão Ni Kệ),
Jàtaka (Bổn Sanh),
Mahàniddesa (Ðại Nghĩa Tích),
Cùlaniddesa (Tiểu Nghĩa Tích),
Patisambhidàmagga (Vô Ngại Giải Ðạo),
Apadàna (Thí Dụ Kinh),
Buddhavamsa (Phật Sử) và
Cariyàpitaka (Tiểu Nghĩa Kinh, Sở Hạnh Tạng).
Theo một phân loại khác, Luật Tạng, Luận Tạng và tất cả kinh chưa được sưu tập vào 4 Bộ Nikàyà chính, lập thành Tiểu Bộ Kinh. Các vị thọ trì Trường Bộ Kinh không chấp nhận các kinh Khuddakapàtha, Cariyàpitaka và Apadàna, và phân loại các kinh khác vào Luận Tạng. Các vị thọ trì Trung Bộ Kinh không chấp nhận tập Khuddakapàtha, nhưng chấp nhận các kinh còn lại và phân loại chúng vào Kinh tạng. Theo truyền thống Miến Ðiện, 4 tập khác được cộng thêm vào, như Milindapanha, Suttasamgaha, Petakopadesa và Nettipakarana.
Kinh Tập này gồm có 5 Chương:
Chương I, Phẩm Rắn (Uragavagga) gồm có 12 kinh;
Chương II, Tiểu Phẩm gồm có 14 kinh.
Chương III, Ðại Phẩm gồm có 12 kinh;
Chương IV, Phẩm Tám gồm có 16 kinh; và
Chương V, PhẩmTrên Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia, gồm có 17 kinh tất cả.
Tổng cộng kinh này có 5 Chương và 71 bài kinh.
*
Ðặc biệt của tập này gồm những kinh có thể được xem là những kinh xưa nhất, cổ nhất, nghĩa là gần với thời đức Phật nhất. Chúng tôi dựa trên một số yếu tố để xác nhận tánh chất thật sự nguyên thủy của Bộ Suttànipàta này, về cả hai mặt Văn cú và Nội dung.
Trước hết, Tập Suttanipàta viết bằng một thể văn Pàli xưa nhất và cổ kính nhất, so sánh với các thể văn chúng ta thường được gặp trong các Bộ Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ). Nhiều thể văn gần với văn Vedà (Vệ Ðà) được tìm thấy rất nhiều trong tập này, nhưng không tìm thấy trong các tập khác, như các danh từ và động từ số nhiều: sitàse, upatthitàse, caramàse. Các hình thức chủ cách số nhiều và sử dụng cách số ít của một số danh từ như: vinicchayà thế cho vinicchayàni, lakkhanà thế cho lakkhanàni,mantà thế cho mantàya. Ngoài ra, chúng ta thường gặp các nguyên mẫu Vedà như vippahàtane, sampayàtave, unnametave rất ít khi được tìm thấy trong các tập kinh khác. Nhiều khi chúng ta thấy một số danh từ đặc biệt như chữ datthu thế cho disvà, atisìtvà thế cho atikkamivà, maga thế cho miga, tumo thế cho so v.v... Những danh từ này rất gần với tiếng Vệ đà không tìm thấy ở các bộ kinh khác. Như vậy, chứng tỏ Tập Suttanipàta được viết trong thời kỳ xưa nhất của ngôn ngữ Pàli, chưa được trau chuốt lưu loát, nhiều âm điệu như ngôn ngữ Pàli sau này. Giá trị cổ kính của ngôn ngữ Pàli trong tập này đánh giá tánh chất nguyên thủy của tập Suttanipàta.
Một yếu tố nữa giúp chúng ta biết giá trị cổ kính của tập này là một số kinh của tập này được tìm thấy trong các bộ kinh khác, và chứng tỏ các kinh khác đã sưu tầm một số kinh hiện có trong bộ Suttanipàta. Ví dụ kinh Seta (Sn. 548-573) được tìm thấy trong Majjhima Nikàya M.i. 146; kinh Vàsettha (Sn. 594-656) được tìm thấy cũng trong Majjhima Nikàya M.ii. 196.
*
Ngoài ra, tập Suttanipàta có ghi chép lại một vài giai đoạn trong đời sống tìm đạo và học đạo của Thái tử, những mẫu chuyện này rất giản dị và mộc mạc, không có xen lẫn thần thông phù phép với những hình ảnh thật đơn sơ và tươi đẹp.
Kinh Xuất gia (Sn. 405-424) diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thái tử với Vua Bimbisàra, khi Thái tử vừa mới xuất gia. Vua Bimbisàra đứng trên lầu nhìn xuống thấy Thái tử đang đi khất thực.
"Bình Sa Vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này." (409)
Sau khi sai sứ giả đi theo để tìm chỗ Thái tử, Vua Bimbisàra liền đi đến gặp Thái tử và thưa:
"Ngài thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Cao đẹp được viên mãn,
Thiện sanh giòng Sát lỵ...
Tài sản ta cho ngươi.
Hãy hưởng và trả lời." (420-421)
Và Thái tử dứt khoát trả lời :
"Giòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua Ta xuất gia.
Ta không có thiết tha,
Ðối với các loại dục,
Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn;
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta được hoan hỷ." (423-424)
Kinh Tinh Tấn tiếp theo nói lên sự cám dỗ của Ác ma. Khi Thái tử ngồi dưới cây Bồ đề tu hành, Ác ma đến gần, nói lên giọng từ mẫn :
"Ngươi ốm, không dung sắc
Nhà ngươi gần chết rồi,
Cả ngàn phần, ngươi chết;
Chỉ một phần còn sống.
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức." (426-427)
Thái tử trả lời từ tốn, nhưng không kém phần nghị lực :
"Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?
Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến!
Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy Ta tinh tấn
Sao ngươi hỏi Ta sống." (431-432)
Và Thái tử nói lên quyết tâm chiến đấu của mình :
"Ôi này Ma Nu Ci!
Ðây là quân đội ngươi,
Ðây quân đội chiến trận
Của giòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng ngươi
Ai thắng ngươi được lạc.
Ta mang cỏ Munja
Vững thay, đáng đời sống
Thà Ta chết chiến trận
Tốt hơn sống thất bại." (439-440)
Và cuối cùng, Ác ma thất bại trước dũng chí của Thái tử và vừa bỏ đi vừa than:
"Bảy năm ta bước theo
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm
Nói Thế Tôn chánh niệm,
Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ."
"Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?
Không tìm được vị ngọt
Quạ từ đó bay đi!
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama." (446-448)
Câu chuyện thứ ba nói về ẩn sĩ Asita (A Tư Ðà) đoán tướng cho Thái tử. Asita thấy Chư thiên vui mừng liền hỏi duyên cớ. Chư thiên đáp :
"Tại xứ Lâm tì ni
Trong làng các Thích Ca,
Có sanh vị Bồ tát
Báu tối thắng, vô tỷ.
Ngài sanh, đem an lạc
Hạnh phúc cho loài người,
Do vậy chúng tôi mừng
Tâm vô cùng hoan hỷ.
Ngài, chúng sanh tối thượng
Ngài, loài người tối thắng,
Bậc Ngưu Vương loài người
Thượng Thủ mọi sanh loại.
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh, nhiếp loài thú." (683-684)
Ðạo sư Asita liền vội vàng đi đến Kapilavatthu để được chiêm ngưỡng Thái tử.
"Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như Sao ngưu
Vận hành giữa hư không
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu mây tịnh
Ẩn sĩ tâm hoan hỷ
Ðược hỷ lạc rộng lớn." (687)
Khi thấy Thái tử chói sáng như mặt trời, khi nghĩ đến viễn ảnh chánh pháp được tuyên thuyết, nghĩ đến phận mình già yếu, A Tư Ðà đã phát khóc.
"Khi vị ấy nghĩ đến
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt"... (691)
Trước sự lo lắng của các vị Thích Ca, ẩn sĩ A Tư Ðà giải tỏa mối lo lắng:
"Thấy họ Thích lo lắng
Vị ẩn sĩ trả lời:
Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử
Ðối với (Thái tử) ấy,
Chướng ngại sẽ không có.
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.
Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe Pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh
Ðược truyền bá rộng rãi
Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu
Ðến giữa đời sống Ngài,
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp
Bậc tinh cần vô tỷ
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau." (692-694)
*
Yếu tố thứ tư xác nhận sự cổ kính của Kinh Tập này là một số câu văn, một số ví dụ, một số hình ảnh được diễn tả, đã trở thành những câu cách ngôn dân gian.
Biển lớn thì im lặng. Khe nước thời chảy ồn. Cái gì trống kêu to. Cái gì đầy thì yên lặng. Những ví dụ này cho chúng ta thấy những kẻ ít hiểu biết thì hay nói nhiều, những kẻ hiểu biết nhiều thời thường im lặng như 2 câu kệ sau đây :
Trang [1] 2 3 ...(5) cuối(22)